Cảm xúc 1816

“… Khoan khoan đừng vội về Bản làng còn thương, núi rừng còn nhớ…”

Cách đây ba tháng khi tôi mới được Bệnh viện Phụ - Sản Trung Ương phân công công tác tại Cao Bằng theo quyết định 1816 của Bộ Y tế, Cao Bằng trong tưởng tượng của tôi là một mảnh đất của truyền thống cách mạng, của những trang sử hào hùng nhưng lại đang phải đối mặt với nhiều thử thách trong công cuộc phát triển ngày nay, đặc biệt trong lĩnh vực y tế… Và tôi đã tới Cao Bằng cùng hành trang là những khát khao cống hiến một phần nhỏ bé của mình cho mảnh đất xinh đẹp này…

Đèo Mã Phục - Cao Bằng

Con đường tới Cao Bằng làm tôi liên tưởng đến những câu thơ của Quang Dũng trong “Tây tiến”: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm – Heo hút cồn mây súng ngửi trời”. Đồi núi cheo leo, mây cứ ngang tầm với, những con đường xa mờ sương đêm, thi thoảng lắm mới thấy một bóng người càng làm cho cảnh vật thêm phần hiu quạnh. Tôi biết, những người con của Cao Bằng đang phải sống giữa những bộn bề gian lao và thiếu thốn, vất vả trăm bề. Điều đó càng làm tôi thêm quyết tâm làm việc để chia sẻ với họ phần nào những thiệt thòi, đặc biệt là ở lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ mà tôi đang phục vụ.

Có mấy hạt mưa lắc rắc ngoài cửa kính ô tô, mây mù trời: hôm nay trời Cao Bằng lạnh lắm, nhưng sự hồ hởi đón tiếp, lòng mến khách chân thành của những bạn đồng nghiệp và người dân nơi đây đã xua tan đi giá lạnh vùng cao, làm ấm lòng tất cả thành viên trong đoàn chúng tôi.

So với các địa phương mà tôi từng công tác, thì Cao Bằng thuộc diện khó khăn nhất: từ y cụ, thuốc men, máy móc kỹ thuật cho tới đội ngũ cán bộ chăm sóc sức khoẻ lúc nào cũng trong tình trạng “khan hiếm”. Đoàn y bác sĩ chúng tôi có dịp được thực tế tại bệnh viện Thông Nông, có đi mới hiểu hết những thiệt thòi về “nhân lực” nơi đây: cơ sở hạ tầng rất khang trang nhưng có rất ít cán bộ. Nhưng một mặt khác về vấn đề “nhân lực” chính là sự thiếu vắng bệnh nhân -  vấn đề muôn thuở của các cơ sở vùng sâu vùng xa. Những nhận thức còn hạn chế về việc chăm sóc sức khoẻ của người dân tộc ở đây cùng các quan niệm chưa đầy đủ  và đúng đắn về chất lượng tuyến trên -  tuyến dưới đang là trở ngại lớn của ngành y tế tỉnh Cao Bằng. Để giải quyết được điều này cần có một quyết tâm cao độ từ nhiều cấp, ngành. Chuyến công tác của các y bác sĩ như chúng tôi cũng là một phần của quyết tâm ấy. Tôi hi vọng những đóng góp của mình, dù rất ít ỏi, nhưng cũng góp phần làm thay đổi bức tranh toàn cảnh của ngành y tế Cao Bằng nói riêng và của những địa phương còn khó khăn trên cả nước nói chung.

Nhưng nếu nói Cao Bằng mà chỉ nói tới gian khổ không thôi thì đúng là chưa hề chạm tới cái chất rất riêng của Cao Bằng  -  đó chính là tinh thần cách mạng quật cường, khắc phục khó khăn, vượt lên trên hoàn cảnh. Đây mới chính là ấn tượng sâu đậm nhất về miền sơn cước này trong tôi: một điều rất Cao Bằng, không lẫn với bất cứ nơi đâu tôi từng qua. Ba tháng công tác ngẵn ngủi nhưng không biết bao nhiêu lần tôi chứng kiến người dân vượt đường rừng xa xôi để đến gặp tận mắt, bắt tận tay cán bộ TW. Và tôi thật sự khâm phục tinh thần hết lòng vì bệnh nhân của các y bác sĩ bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng: suốt đợt công tác vừa qua rất ít bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên. Các đồng nghiệp của tôi ở đây luôn tâm huyết với nghề, luôn biết vượt qua mọi điều kiện làm việc còn nhiều gian khổ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được người dân trọn vẹn một lòng tin yêu. Nâng cao chất lượng cán bộ y tế cơ sở theo suy nghĩ của tôi có lẽ là “kim chỉ nam” để giải quyết bài toán khó hiện nay của ngành y tế các tỉnh vùng sâu vùng xa, mà Cao Bằng là một ví dụ điển hình cho những thành công bước đầu của những lời giải ấy.

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở - Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn”. Tôi không khỏi mỉm cười khi nghĩ đến câu thơ này trên chuyến xe rời Cao Bằng về với Hà Nội. Một cảm giác bùi ngùi, lưu luyến như lịm vào hồn tôi khi cảnh vật con người cứ dần lùi lại phía xa: những nương ngô, nương lúa vắt mình ngang sườn núi, những rừng cây dẻ sừng sững, cao ngút tầm mắt tôi, những cái bắt tay, cái ôm thật chặt của đồng nghiệp và những người dân nơi đây, những chén rượu chúc nhau sức khoẻ, nụ cười hiền của cậu bé chăn bò tôi gặp trên đường… Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ yêu mảnh đất này nhiều như thế. Một cảm giác tiếc nuối vì đợt công tác qua đi quá nhanh, và những đóng góp của mình còn quá ít ỏi. Chắc chắn tôi sẽ còn trở lại, trở lại để đóng góp nhiều hơn, trở lại để chứng kiến sự vươn lên của những thế hệ con người Cao Bằng xây dựng quê hương, trở lại như một lời khẳng định mạnh mẽ niềm tin của tôi về một Cao Bằng ấm no, giàu đẹp… và trở lại bởi một mảnh hồn tôi đã lưu lại nơi này…

Mấy lọ măng rừng, vài cân hạt dẻ, gạo nương, bí đỏ… và tình người Cao Bằng là hành trang theo tôi về Hà Nội.

Hẹn gặp lại Cao Bằng mến yêu!

                                                                                          Tháng 8/2010

                                                                                      Bác sĩ: Đỗ Thị Huệ

                                                                                Bệnh viện Phụ - Sản TW

Bé sơ sinh nhỏ nhất Việt Nam

Chào đời ở tuần thứ 25 khi mới được hơn 500g, bé Bùi Thị Gái (Bùi Thị Xuân, Hải Dương) là em bé có cân nặng thấp nhất được nuôi sống từ trước tới nay tại Việt Nam.