Nuôi con bằng sữa ngoài: Lợi bất cập hại

Việc nuôi con bằng sữa ngoài gây tốn kém về mặt kinh tế còn ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ, không ít trường hợp trẻ sơ sinh đã tử vong do dùng sản phẩm không đảm bảo nguồn gốc.

Bệnh viện Phụ sản T.Ư vừa có tổng hợp phỏng vấn nhanh gần 400 bà mẹ về việc nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM). Theo đó 52,7% bà mẹ đã sử dụng sản phẩm dinh dưỡng cho con ngay từ lúc trẻ chưa tới 6 tháng tuổi.

BS Nguyễn Thanh Hà - Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản T.Ư khẳng định, điều đó rất đáng lo ngại: “Việc nuôi con bằng sữa ngoài gây tốn kém về mặt kinh tế còn ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Không ít trường hợp trẻ sơ sinh tử vong do dùng các sản phẩm sữa, thức ăn dinh dưỡng không đảm bảo nguồn gốc. Nhiều trẻ nhập viện được xác định bị viêm ruột kết, lộn ruột, mắc bệnh tiểu đường, viêm tai… nguyên nhân ban đầu được xác định là do cha mẹ lạm dụng sữa công thức và thức ăn dinh dưỡng”.  

Cần thực hiện cho trẻ bú mẹ ít nhất trong vòng 6 tháng đầu.

  Chị Nguyễn Thu Lý (Đống Đa, Hà Nội) cho con trai 6 tháng tuổi đi khám tại BV Nhi T.Ư cho biết: “Do ít sữa, công việc cơ quan lại quá bận nên ngay từ lúc mới sinh, tôi đã cho con uống thêm sữa ngoài. Sau 3 tháng thì dừng hẳn cho con bú và thay bằng bột dinh dưỡng và sữa công thức”. Tuy nhiên, sau 6 tháng con trai chị không tăng cân, cháu thường xuyên biếng ăn, nôn ọe, tiêu chảy. Quá lo lắng, chị đưa con đi khám thì phát hiện cháu mắc bệnh tiêu chảy do dị ứng với sản phẩm từ sữa và đồ ăn dinh dưỡng.   Không riêng gì các bà mẹ ở thành thị mà hiện nay xu hướng ngại NCBSM cũng lan dần về các vùng quê. Chị Nguyễn Thị Phương (Hà Trung, Thanh Hóa) cũng nghe theo lời đồn đại và quảng cáo trên truyền hình mà dừng cho con bú chỉ sau 6 tháng. Theo chị Phương: “Việc cho uống thêm sữa ngoài là cần thiết. Nhất là trong thời buổi hiện nay, thị trường sữa có rất nhiều sản phẩm sữa tốt, kích thích trí thông minh của trẻ”.

Nghiên cứu 6 tháng đầu năm 2011, tại các bệnh viện nhi khoa, bệnh viện phụ sản ở 63 tỉnh thành trong cả nước cho thấy các bà mẹ còn thiếu kiến thức về việc NCBSM. Có tới 76% các bà mẹ chưa hiểu hết tác dụng của việc NCBSM và không biết cách NCBSM đúng cách; 45% bà mẹ cho rằng cần tăng cường cho con thêm chất dinh dưỡng hoặc sữa ngoài.

Ông Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng: “Sở dĩ tình trạng NCBSM ở Việt Nam còn quá thấp so với thế giới là bởi nhận thức của nhiều bà mẹ về tác dụng của NCBSM chưa cao. Trong khi đó, một loạt các sản phẩm dinh dưỡng lại có những quảng cáo về sự ưu việt khiến nhiều bà mẹ lầm tưởng nên cho trẻ ăn ngay từ những tháng đầu đời”.

Theo ông Tiến, tăng cường NCBSM không chỉ giúp chúng ta giảm gánh nặng về tài chính mà còn góp phần thực hiện tốt mục tiêu quốc gia giảm đáng kể tỷ lệ trẻ em tử vong vào năm 2015.   Theo Dân Việt