Thực phẩm Tết 2011: An toàn – tiêu chí hàng đầu

Tết Nguyên đán Tân Mão đang đến gần, nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân sẽ tăng cao.

Tuy nhiên, theo thông báo mới nhất của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT): Hiện tại dịch lở mồm long móng trên gia súc lại đang diễn biến phức tạp và đã lan rộng ra 15 tỉnh, thành phố (chủ yếu ở miền núi phía Bắc và một số tỉnh miền Trung). Người dân đang lo ngại mua phải thực phẩm không đảm bảo an toàn.

Siêu thị, chợ đầu mối sẽ được giám sát thực phẩm

Theo ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP (Bộ Y tế), Cục đang triển khai kế hoạch thanh, kiểm tra công tác ATVSTP Tết Nguyên đán Tân Mão, Ban Chỉ đạo liên ngành TƯ về VSATTP tổ chức 12 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 24 tỉnh, thành phố trọng điểm nhằm tăng cường các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh dịch truyền qua đường thực phẩm, góp phần làm tốt công tác bảo đảm ATVSTP trong dịp Tết Nguyên đán.  

Kiểm tra test nhanh thực phẩm với những thực phẩm ăn sẵn. Ảnh:V.K

"Tết Nguyên đán hàng năm là dịp sức tiêu thụ các mặt hàng lương thực, thực phẩm, bánh kẹo... đều tăng lên đột biến. Có những mặt hàng tăng từ 200-300% so với ngày thường. Vì thế, việc tập trung kiểm tra, nhằm phát hiện ngay những sai phạm trong an toàn thực phẩm vào dịp này là rất cần thiết"- ông Khẩn nhấn mạnh.

Ông Khẩn cũng cho biết thêm, các đoàn kiểm tra này sẽ tập trung kiểm tra tại các chợ đầu mối, siêu thị lớn, những nơi cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm nhiều. Tuy nhiên, theo ông Khẩn, bên cạnh các đoàn kiểm tra của cấp trung ương, các địa phương cũng cần liên tục tiến hành thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý của địa phương mình. Nội dung kiểm tra không chỉ tập trung về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm lương thực, thực phẩm hay hồ sơ về chất lượng thực phẩm mà còn kiểm tra về giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP, hồ sơ công bố tiêu chuẩn, giấy chứng nhận sức khỏe đối với người lao động...  

Bộ NN& PTNT vừa có văn bản khẩn yêu cầu Sở NN& PTNT các tỉnh, thành phố tăng cường lực lượng và chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc kiểm dịch đối với các sản phẩm động vật, thực vật nhập khẩu vào Việt Nam nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão. Bên cạnh đó, Bộ NN&PT NT cũng yêu cầu các Chi cục Kiểm dịch động vật vùng, cơ quan Thú y vùng, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng nhất là các Chi cục, cơ quan quản lý các cửa khẩu biên giới như: Tân Thanh (Lạng Sơn), Cầu Treo (Hà Tĩnh), Lao Bảo (Quảng Trị), Mộc Bài (Tây Ninh)... cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ về kiểm dịch thú y đối với sản phẩm là động vật, thực vật nhập khẩu vào Việt Nam, đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng

Nhằm tăng tính thẩm quyền của các đoàn kiểm tra ATVSTP Tết Nguyên đán năm 2011 trong quá trình làm việc, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATVSTP TƯ đã yêu cầu các đoàn thanh tra, kiểm tra tổ chức thành phần đủ quyền lực và chuẩn bị đầy đủ các văn bản có liên quan, mẫu biểu thanh tra thống nhất.   Đồng thời, chuẩn bị dụng cụ lấy mẫu, dụng cụ kiểm tra nhanh, nếu phát hiện vi phạm các đoàn kiểm tra sẽ tiến hành xử phạt ngay, tuyệt đối không để thực phẩm không đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn, không rõ nguồn gốc, thực phẩm không có nhãn lưu thông trên thị trường, góp phần làm tốt công tác bảo đảm ATVSTP, giữ vững lòng tin của người tiêu dùng.

Kiểm dịch chặt chẽ sản phẩm động vật, thực vật

Theo Cục Thú y, đến thời điểm này vẫn còn còn 14 tỉnh là Sơn La, Quảng Ngãi, Phú Yên, Yên Bái, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Lai Châu, Cao Bằng, Thanh Hóa, Phú Thọ, Điện Biên, Thái Nguyên và Hà Giang có dịch lở mồm long móng (LMLM) chưa qua 21 ngày. Các ổ dịch mới nhất được ghi nhận là ở Lạng Sơn và Hà Giang. Nguyên nhân xảy ra dịch bệnh LMLM và lây lan trên diện rộng một phần là do đàn gia súc chưa được tiêm phòng. Khi phát hiện dịch bệnh người dân không khai báo với chính quyền địa phương, ngay cả những thú y hành nghề tư nhân cũng giấu dịch để tự điều trị.   Thậm chí nhiều địa phương dịch bệnh đã xảy ra và bùng phát trong nhiều ngày nhưng thú y cơ sở vẫn không hề hay biết hoặc có biết nhưng không có biện pháp quyết liệt để dập dịch. Do đó, để ngăn chặn dịch và đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn vệ sinh cung cấp cho người dân từ nay đến Tết Nguyên đán, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát việc vận chuyển gia súc, phát hiện và dập dịch kịp thời, tuyên truyền cho người chăn nuôi không giết mổ gia súc bị bệnh để ăn, không buôn bán, vận chuyển gia súc bị bệnh đi nơi khác...   Quảng Hà